Chủ tịch FPT có thêm hơn 400 tỷ đồng trong năm 2015
2015 là năm thứ 10 liên tiếp VnExpress công bố danh sách Người giàu trên sàn chứng khoán. Số liệu được Công ty CP chứng khoán VNDIRECT cung cấp thông tin công bố của gần 700 doanh nghiệp đang niêm yết tại 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM.
Với 1.362,981 tỷ đồng, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã tăng thêm 419,823 tỷ đồng, đứng ở vị trí 11 trong bảng xếp hạng (tạm thời) người giàu nhất sàn chứng khoán 2015, tăng 8 bậc so với năm 2014.
Năm 2015 là năm đầy biến động của thị trường chứng khoán với đầy đủ những cung bậc cảm xúc. Với cổ phiếu FPT, việc Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”vào ngày 13/10 là sự kiện lớn nhất. Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có FTP (6%) và FPT Telecom (50,2% vốn cổ phần). Thông tin này ngay lập tức giúp cổ phiếu FPT có mức tăng điểm tích cực trong một thời gian dài.
Một năm thăng trầm của thị trường chứng khoán sắp khép lại, cùng Chungta.vn 'soi túi' các lãnh đạo FPT trong danh sách các cá nhân có tài sản lớn nhất trên sàn.
Cùng với mức tăng ấn tượng của Chủ tịch Trương Gia Bình, CEO Bùi Quang Ngọc cũng cải thiện vị trí đáng kể. Từ vị trí số 30, với 490,728 tỷ đồng của năm ngoái, anh Ngọc đã tăng 11 bậc tương ứng số tiền có thêm là 220,384 tỷ đồng.
Các lãnh đạo FPT trong Top 100. Từ trái qua: anh Đỗ Cao Bảo, anh Trương Gia Bình, anh Bùi Quang Ngọc và chị Trương Thanh Thanh.
Lãnh đạo FPT cuối cùng trong Top 100 là Chủ tịch FPT IS Đỗ Cao Bảo đứng ở vị trí 66 với 225,344 tỷ động, tăng 15 bậc và gần 70 tỷ đồng.
Giám đốc Trách nhiệm xã hội Trương Thanh Thanh xếp thứ 47 trong danh sách, với 309,834 tỷ đồng. Năm ngoái chị Thanh đứng 62 trong danh sách khi sở hữu 214,583 tỷ đồng.
Trong Top100, 3 vị trí tạm thời dẫn đầu lần lượt là ông Phạm Nhật Vượng (VIC, tài sản 22.149 tỷ đồng), ông Trần Đình Long (HPG, tài sản 5.474 tỷ đồng) và ông Đoàn Nguyên Đức (HAG, tài sản 3.929 tỷ đồng). Trong top 3, chỉ ông Vượng có tài sàn gia tăng khoảng 10% trong khi ông Long giảm 15% và ông Đức giảm mạnh nhất, khoảng 50%.
Theo VnExpress, trước khi 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM bước vào tuần giao dịch cuối cùng, thống kê với gần 8.000 cổ đông, là những người thuộc diện phải công bố thông tin tại doanh nghiệp niêm yết, cho thấy toàn thị trường có gần 430 cá nhân có tài sản chứng khoán tương đương 1 triệu USD trở lên, tăng hơn 30 người so với năm 2014. Đây cũng là số lượng triệu phú chứng khoán đông đảo nhất được ghi nhận trong vòng 5 năm qua.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước cùng mới công bố, vốn hóa thị trường năm 2015 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng tương đương 34% GDP. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 4.964 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ bình quân đạt 2.495 tỷ đồng, giao dịch trái phiếu đạt 2.470 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng tài sản chứng khoán của gần 8.000 cổ đông nêu trên cũng đạt xấp xỉ 112.600 tỷ đồng, tương gần 5 tỷ USD và tăng gần 16% so với năm ngoái. Trong đó, riêng tài sản của Top 100 đã chiếm khoảng 84%.
Ủy ban chứng khoán Nhà nước cùng mới công bố, vốn hóa thị trường năm 2015 đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng tương đương 34% GDP. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 4.964 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch cổ phiếu và chứng chỉ quỹ bình quân đạt 2.495 tỷ đồng, giao dịch trái phiếu đạt 2.470 tỷ đồng.
Trong năm 2015, có 47 công ty niêm yết mới và 33 công ty hủy niêm yết. Số lượng tài khoản nhà đầu tư là 1,5 triệu, trong đó tài khoản nhà đầu tư nước ngoài là 17.644.
Tính đến tháng 12, trên 2 sàn có 682 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 528.000 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014.