Các quỹ đầu tư giữ cổ phiếu FPT đều có lãi
FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu toàn tập đoàn đạt 35.886 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD), tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch luỹ kế. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, bằng 97% kế hoạch luỹ kế.
Đại diện phòng quan hệ cổ đông FPT nhận định, cá nhân, tổ chức mua cổ phiếu từ đầu năm, tới cuối năm đã có mức lãi gấp ba lần gửi ngân hàng.
Cụ thể, Quỹ Vietnam Equity Holding (VEH) do Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM) quản lý. Quỹ này có tổng tài sản tính đến ngày 30/11 là 43,68 triệu EUR. VEH đang nắm giữ 7,05 triệu cổ phiếu FPT (1,77% vốn điều lệ FPT).
Theo tờ Đầu tư Chứng khoán, trong 11 quỹ đầu tư nước ngoài với quy mô tổng tài sản 3,63 tỷ USD đang đầu tư vào các cổ phiếu trên thị trường Việt Nam, tính đến 30/11 có 4 quỹ có lãi trong năm 2015, bao gồm: Quỹ Vietnam Emerging Equity Fund thuộc quản lý của PXP (NAV/ccq tăng 6,27%); Quỹ Vietnam Holidng (NAV/CCQ tăng 6,17%); Quỹ Vietnam Enterprise Investmentds Limited thuộc Dragon Capital (NAV/CCQ tăng 4,4%); Quỹ Vietnam Growth Fund (NAV/CCQ tăng 3,1%). 3/4 quỹ này đang nắm cổ phiếu FPT.
Các quỹ khác giải ngân NAV lớn vào FPT tiếp theo là: DWS Vietnam Fund, có giá trị tài sản ròng gần 330 triệu USD và giải ngân 4,71% NAV vào FPT; Vietnam Emerging Equity Fund với giá trị tài sản ròng của đạt 125,9 triệu USD, giải ngân vào mã FPT 7,3%. Tính đến 30/11, VEEF có NAV tăng 6,27% so với đầu năm; Vietnam Holding có tổng tài sản 126,2 triệu USD, đầu tư 7,76% vào FPT; Hai quỹ Vietnam Growth Fund (VGF, tổng tài sản 509,08 triệu USD) và Vietnam Enterprise Investmentds Limited (tài sản 275,94 triệu USD) cùng thuộc Dragon Capital đang nắm giữ đáng kể cổ phiếu FPT.
“Mặc dù giá cổ phiếu JVC giảm mạnh trong năm 2015 nhưng NAV (giá trị tài sản ròng) của VEH vẫn tăng, nhờ giá cổ phiếu FPT và VNM có mức tăng đáng kể”, Đầu tư Chứng khoán nhận định.
Theo anh Trần Hồng Dương, Trưởng phòng quan hệ cổ đông FPT, từ đầu năm tới nay mã FPT đã tăng 22,31% (từ 40.006 đồng/ cổ phiếu lên 48.500 đồng/cổ phiếu) so với VnIndex chỉ tăng 5,16% (từ 545.63 điểm lên 572,55 điểm). “Cá nhân, tổ chức mua cổ phiếu từ đầu năm, tới cuối năm đã có mức lãi gấp ba lần gửi ngân hàng”, anh Dương nói. “Cổ phiếu FPT tăng tốt hơn (outperform) chỉ số VnIndex khiến các nhà đầu tư sở hữu FPT có kết quả tốt hơn trung bình”
Anh Dương bổ sung, so với thời điểm giá FPT cao nhất trong năm, mã FPT tăng 36,6% so với đầu năm còn VnIndex tăng 12,27%.
Nhận định về tiềm năng thị trường, Vietnam Holding cho rằng, chỉ số P/E thị trường Việt Nam hiện đang ở mức 11,6 lần, vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường khác như Indonesia (25 lần), Ấn Độ (20,8 lần), Philippines (19,9 lần), Trung Quốc (18,1 lần), Thái Lan (17,7 lần).
Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.595 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 4.020 đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Định hướng toàn cầu hóa tiếp tục mang lại cho FPT 189 triệu USD, tương đương 4154 tỷ đồng, tăng 35% sau 11 tháng đầu năm. Bên cạnh thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh, ngày 13/10, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.
Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có FTP (6%) và FPT Telecom (50,2% vốn cổ phần). Thông tin tnày ngay lập tức giúp cổ phiếu FPT có mức tăng điểm tích cực trong một thời gian dài.