Ngày 21/12, VPBS ra báo cáo phân tích nhận định thị trường. Theo đơn vị này, trong 11 tháng đầu năm 2015, FPT ghi nhận lợi nhuận ròng tăng 7% so với cùng kỳ, đạt mức 1.595 tỷ đồng, mặc dù doanh thu tăng trưởng 16%. "Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí liên quan đến dự án quang hóa của mảng viễn thông và doanh thu FPT Trading sụt giảm do MWG hiện mua sản phẩm trực tiếp từ Apple", VPBS đánh giá.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) nhận định giá mục tiêu của FPT sẽ ở mức 63.000 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị mua vào.

"Như vậy, lợi nhuận ròng 11 tháng đã hoàn thành 90% dự phóng năm 2015 của chúng tôi, do đó, chúng tôi vẫn duy trì dự báo hiện tại đối với FPT", báo cáo của VPBS nhấn mạnh.

Cổ phiếu FPT dự đoán tăng 30% từ VPBS

Từ những tín hiệu tích cực của kết quả kinh doanh, VPBS duy trì mức dự phóng và giá mục tiêu đối với FPT là 63.000 đồng/cổ phiếu với khuyến nghị mua vào (tiềm năng tăng giá 30% so với giá đóng cửa hôm nay).

Cụ thể, năm 2016, công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng dự phóng FPT sẽ đạt kết quả tốt hơn với lợi nhuận ròng tăng trưởng 21% so với năm 2015, nhờ sự tăng trưởng mạnh của mảng viễn thông do không còn khoản chi phí lớn liên quan đến dự án quang hóa như trước đây.

FPT vừa công bố kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm. Theo đó, doanh thu toàn tập đoàn đạt 35.886 tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD), tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch luỹ kế. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, bằng 97% kế hoạch luỹ kế.

Trong phiên ngày 21/12, cổ phiếu FPT chốt giá 48.500 đồng, giảm 400 đồng.

Trong số 10 doanh nghiệp mà SCIC được quyền chọn thời điểm thích hợp để trình phương án thoái vốn có FTP (6%) và FPT Telecom (50,2% vốn cổ phần). Thông tin tnày ngay lập tức giúp cổ phiếu FPT có mức tăng điểm tích cực trong một thời gian dài.

Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.595 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 4.020 đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Định hướng toàn cầu hóa tiếp tục mang lại cho FPT 189 triệu USD, tương đương 4154 tỷ đồng, tăng 35% sau 11 tháng đầu năm. Bên cạnh thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh, ngày 13/10, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã ký văn bản cho phép Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) “chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định việc thoái hết vốn tại 10 doanh nghiệp nhằm đạt được lợi ích cao nhất”.